- Chuyên đề:
- Hiếm muộn vô sinh
Có đến 90% trường hợp sảy thai liên tiếp có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể
Rối loạn tuyến giáp gây vô sinh, sảy thai liên tiếp?
Có nhiều quan niệm sai lầm về tình trạng sảy thai
Những hành động vô tình dễ gây sảy thai cho các mẹ bầu
Dấu hiệu sảy thai sớm mẹ bầu cần biết
Theo bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyến – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM, cứ 100 thai phụ thì có đến 20 người bị sảy thai tự nhiên và thai bị sảy sớm (chưa đến 12 tuần).
Sảy thai liên tiếp (RPL: Repeated Pregnancy Loss) được chia làm 2 nhóm: Nguyên phát và thứ phát. Ở nhóm nguyên phát là khi người phụ nữ chưa lần nào sinh em bé sống trước đó. Nguyên nhân thứ phát là khi người phụ nữ đã từng sinh tối thiểu thành công một em bé nhưng giờ lại bị sảy thai liên tiếp nhiều lần.
Sảy thai tự nhiên có nhiều dạng: Có thai rồi nhưng thai tự lọt ra ngoài cùng với máu; Có túi thai, có phôi thai nhưng tim thai ngừng phát triển (thai lưu); Trứng trống, túi thai trống, không có phôi thai. Ở cả hai trường hợp thai lưu và thai trống đều phải can thiệp y tế để lấy thai ra sớm, nếu không sẽ tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tử cung, đe dọa tới tính mạnh người mẹ.
Có 7 nhóm nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp là:
Nhóm 1: Bất thường nhiễm sắc thể
Thực tế cho thấy, có đến 90% trường hợp sảy thai liên tiếp có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể. Bất thường nhiễm sắc thể có thể là do người vợ, người chồng, cả hai vợ chồng hoặc do lỗi khi hợp tử phân chia tế bào để tạo thành phôi thai.
Nhóm 2: Yếu tố miễn dịch
Mẹ bị rối loạn tự miễn như hội chứng anti phosholipid ảnh hưởng đến quá trình truyền máu, chất dinh dưỡng cho thai nhi khiến thai nhi ngừng phát triển. Nếu bị hội chứng này, khi có thai sẽ bắt đầu xảy ra hiện tượng viêm, tắc mạch vi thể khiến máu và chất dinh dưỡng không thể truyền cho thai nhi được.
Nhóm 3: Bất thường ở tử cung
Tử cung bị dị dạng, tử cung một sừng, nhi tính, có vách ngăn hay dính tử cung (hậu quả của phẫu thuật nạo hút thai), hở eo cổ tử cung hay do bệnh lý u xơ tử cung… cũng khiến phôi thai không thể làm tổ và phát triển bình thường được.
Nhóm 4: Bất thường về nội tiết
Thai phụ bị suy hoàng thể không sản xuất đủ progesterone để nuôi dưỡng thai, cho thai phát triển khiến thai suy, thai lưu. Những người bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng khó có thai, khi có thai lại dễ bị sảy.
Nhóm 5: Người mẹ bị bệnh lý nội khoa
Những thai phụ có bệnh lý nội khoa như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, tim mạch… cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Nhóm 6: Nhiễm khuẩn, nhiễm trùng
Các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai hay nhiễm khuẩn do Listeria, Salmonella, Urealyticu, Mycoplasma hominil, Ureaplasma, virus rubella… cũng gây sảy thai liên tục.
Nhóm 7: Tinh trùng bị dị tật
Tinh trùng bị đứt gãy, dị tật khiến thai nhi ngừng phát triển (thai lưu) hoặc thai bị dị tật phải hút bỏ cũng là nguyên nhân quan trọng mà các gia đình hiếm muộn vô sinh cần quan tâm. Khi làm xét nghiệm tinh dịch đồ, người chồng cần lưu ý kiểm tra thêm Halosperm để kiểm tra xem tinh trùng có bị đứt gãy hay không. Nếu chỉ số đứt gãy của tinh trùng cao, tuyệt đối không nên thụ thai tự nhiên hay làm IUI mà nên sàng lọc phôi để thực hiện IVF.
Đây là 7 nhóm nguyên nhân chủ yếu, tuy nhiên vẫn còn nhiều thai phụ sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân. Với các trường hợp này, phương pháp tốt nhất là hỗ trợ về mặt tâm lý và bồi bổ cơ thể để cơ thể hồi phục, sẵn sàng cho việc đón chào một mầm sống mới trong tương lai.
Khi không may bị sảy thai liên tiếp nhiều lần, chị em cần đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân, tránh hoang mang, lo lắng và chủ động có biện pháp điều trị cho lần mang thai kế tiếp.
Đón đọc: Các xét nghiệm cần thiết khi sảy thai
Bình luận của bạn